Bệnh nghe kém (giảm thính lực)

Nghe kém một bên tai làm suy giảm đáng kể khả năng nghe trong không gian, vốn phụ thuộc vào sự tương tác phức tạp của các âm thanh nghe được ở cả hai tai. Người bệnh sẽ mất một nửa khả năng tiếp nhận các tín hiệu thính giác quan trọng. Điều này có thể dẫn đến giảm khả năng hiểu lời nói khi có tiếng ồn chen vào, giảm khả năng định vị âm thanh hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng giao tiếp xã hội, học tập cũng như năng suất làm việc.

Nghe kém một bên tai là gì?

Nghe kém một bên tai là khả năng nghe của một bên tai kém hơn tai còn lại. Người bệnh có thể bị giảm thính lực 1 bên tai bẩm sinh, bộc phát đột ngột hoặc dần dần từ nhẹ đến nặng.

Mức độ nghiêm trọng nhất của bệnh lý này là điếc một bên tai. Điếc một bên tai (SSD) là tình trạng mất thính lực thần kinh giác quan một bên tai, nặng đến mức không thể nghe được về mặt lâm sàng. Bệnh này được xác định bởi ngưỡng nghe từ mức độ nặng đến sâu với khả năng nhận dạng âm thanh kém.

Mặc dù bản chất của điếc một bên tai là vô căn nhưng các bệnh lý như bất thường ốc tai, chấn thương xương thái dương, bệnh Meniere, bệnh schwannoma tiền đình, thiếu máu cục bộ mạch máu, rối loạn tự miễn dịch và nhiễm trùng… thường được biết đến là nguyên nhân gây điếc một bên tai.

Nguyên nhân nghe kém hoặc bị điếc 1 bên tai

Mất hoặc suy giảm thính lực một bên tai có thể xuất phát từ các nguyên nhân sau.

1. Ráy tai

Ráy tai có chức năng bảo vệ tai khỏi bụi bẩn, côn trùng và nó cũng có thể tự làm sạch tai. Thông thường ráy tai sẽ được đẩy ra ngoài nhưng cũng có trường hợp vì một lý do nào đó mà bị kẹt lại. Điều này gây ra tình trạng bít tắc làm giảm khả năng nghe của tai.

2. Viêm tai

Viêm tai do nhiễm khuẩn hoặc virus có thể gây mất thính lực. Viêm tai giữa là loại nhiễm trùng phổ biến nhất dẫn đến tình trạng nghe kém một bên tai.

3. Thủng màng nhĩ

Các loại nhiễm trùng, âm thanh quá lớn như tiếng bom nổ, ngoáy tai không đúng cách… cũng có thể làm thủng màng nhĩ, dẫn đến 1 tai nghe kém hoặc điếc.

4. Bệnh Ménière

Bệnh Ménière là một chứng rối loạn tai có thể dẫn đến mất thính lực, điển hình là ở một bên tai. Khi mắc bệnh Ménière, người bệnh không chỉ nghe kém một bên tai mà còn có thể gặp phải các triệu chứng như chóng mặt, ù tai hoặc cảm giác đầy tai.

5. Sự phát triển xương bất thường trong tai

Trong một số trường hợp rất hiếm, sự phát triển bất thường của ổ xốp xơ trong tai có thể gây mất thính lực. Tình trạng này được gọi là chứng xốp xơ tai, bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian và có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai tai.

6. Khối u

U bao dây thần kinh thính giác là một loại khối u chèn ép vào dây thần kinh, ảnh hưởng đến thính giác cũng có thể là nguyên nhân khiến nghe kém một bên tai.

7. Mắc một số bệnh khác

Mắc hội chứng Reye, một rối loạn hiếm gặp xảy ra ở trẻ em; Viêm động mạch thái dương: Viêm và tổn thương các mạch máu ở đầu và cổ; hẹp động mạch đốt sống khiến lưu lượng máu đến não sau kém; Rối loạn tự miễn dịch… cũng có thể là nguyên nhân gây suy giảm hoặc mất thính lực một bên tai.

Chẩn đoán mất thính lực ở 1 bên tai

    • Chẩn đoán lâm sàng: Các chẩn đoán lâm sàng có thể giúp bác sĩ xác định được nguyên nhân mất thính lực một bên tai do nhiễm virus hoặc vi khuẩn. Ví dụ tai chảy dịch, có mùi hôi kèm đau nhức, nghe kém, nhiều khả năng nguyên nhân gây giảm thính lực là do viêm tai giữa.
    • Chẩn đoán hình ảnh: Nếu nghi ngờ mất thính lực một bên thần kinh đột ngột khởi phát, các chẩn đoán hình ảnh nên được xem xét để loại trừ bệnh lý sau ốc tai là căn nguyên của tình trạng mất thính lực.
    • Đo thính lực đồ: Bằng cách kiểm tra khả năng nghe âm thanh ở các cường độ và tần số khác nhau, bác sĩ có thể ghi lại tần số âm thanh dưới dạng thính lực đồ, biểu đồ để chẩn đoán.

 

Cách điều trị nghe kém 1 bên tai

Tình trạng 1 bên tai nghe kém có thể xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân phức tạp. Do vậy, các lựa chọn điều trị có thể khác nhau tùy vào từng nguyên nhân cụ thể. Tuy nhiên, trước khi can thiệp các phương pháp hỗ trợ thính lực, các chỉ định điều trị căn nguyên gây mất thính lực như nhiễm trùng, khối u, tổn thương dây thần kinh… sẽ cần được xử lý trước.

Điều trị các nguyên nhân gây ra tình trạng 1 bên tai nghe kém

Mất thính lực một bên do bệnh lý điếc đột ngột: Nếu mất thính lực một bên thần kinh đột ngột khởi phát, người bệnh nên được điều trị sớm. Tùy thuộc vào căn nguyên, mất thính lực đột ngột có thể kèm theo ù tai và các triệu chứng tiền đình. Trong một số trường hợp, điều trị bằng thuốc steroid tiêm màng não hoặc đường uống có thể giúp phục hồi thính giác một phần hoặc toàn bộ. Tuy nhiên, phương pháp này cần nhiều thời gian để cải thiện, nhất là ở những người suy giảm thính lực nặng và cao tuổi.

    • Giảm thính lực 1 bên tai do viêm tai giữa: Thuốc kháng sinh sẽ được chỉ định để điều trị nhiễm trùng trong trường hợp này. Viêm tai giữa là bệnh thường gặp ở trẻ em và cả người lớn, có thể gây ra nhiều biến chứng, trong đó có tình trạng nghe kém 1 bên tai.
    • Giảm thính lực 1 bên do khối u: Trường hợp này, phẫu thuật sẽ được chỉ định để cắt bỏ khối u, kết hợp với điều trị kháng sinh sau đó để phòng ngừa nguy cơ nhiễm trùng.
    • Giảm thính lực 1 bên tai do tích tụ ráy tai: Giảm thính lực do tích tụ ráy tai có thể được điều trị bằng cách dùng thuốc nhỏ tai làm tan ráy tai.

Nếu sau vài ngày điều trị nhưng khả năng nghe không cải thiện, người bệnh nên đến bệnh viện để thăm khám và có phương pháp điều trị phù hợp. Người bệnh không nên dùng các loại sản phẩm làm sạch ráy tai kéo dài vì có thể gây kích ứng tai. Trường hợp nghe kém một bên tai do dị vật, người bệnh không được tự ý lấy dị vật ra khỏi tai mà phải tới bệnh viện để được xử lý chuyên khoa. Việc tự lấy dị vật có thể gây tổn thương sâu bên trong tai dẫn đến thủng màng nhĩ hoặc nhiều biến chứng nghiêm trọng khác.

Cách phòng ngừa giảm thính lực 1 bên tai

Để phòng ngừa nghe kém 1 bên tai, chúng ta nên chú ý tới các vấn đề sau.

    • Tránh tiếng ồn: Môi trường tiếng ồn là nguyên nhân hàng đầu gây suy giảm thính lực. Tiếp xúc với âm thanh cường độ cao còn tăng nguy cơ điếc vĩnh viễn.
    • Bảo vệ tai khỏi các bệnh nhiễm trùng: Vi khuẩn, virus gây viêm tai giữa, viêm mũi xoang, bệnh sởi… là nguyên nhân gây ra các bệnh viêm tai có thể dẫn đến suy giảm thính lực, do đó tránh để nhiễm các nguồn bệnh này giúp bảo vệ tai khỏi nguy cơ điếc hoặc nghe kém 1 bên tai.
    • Giữ tai khô ráo, sạch sẽ: Giữ tai khô ráo, sạch sẽ bằng cách thấm khô tai sau khi bơi, sau khi tắm để phòng ngừa viêm tai dẫn đến suy giảm thính lực.
    • Vệ sinh tai đúng cách: Việc vệ sinh tai, lấy ráy tai sai cách có thể gây nhiễm trùng hoặc làm thủng màng nhĩ dẫn đến nghe kém.
Đăng ký tư vấn và Đặt mua HOÀNG PHỤC LINH

    Để được đăng ký tư vấn và đặt mua hàng, các bạn vui lòng điền đầy đủ thông tin và ô bên dưới. Chúng tôi sẽ gọi điện lại trong thời gian ngắn nhất

    • Tư vấn hoàn toàn miễn phí